Theo chân nhịp sống Hà Nội thưởng thức bánh gối trong ngày đông lạnh giá

Những ngày mưa, lạnh giá của thời tiết Hà Nội đang đến rất gần. Và món ăn gây thương nhớ đến người dân thủ đô không ai khác chính là bánh gối. Nhâm nhi những chiếc bánh gối trong thời tiết lạnh giá trên đất Hà Thành là sự lựa chọn đúng đắn và tuyệt vời hơn bao giờ hết. Vậy chúng ta hãy cùng vào bếp thực hiện món bánh giòn rụm, thơm ngon mang tên bánh gối.

I. Bánh gối_ hương vị tuổi thơ êm đềm

Sở dĩ được đặt tên là bánh gối bởi bánh có hình dạng bán nguyệt và cong giống hình dạng của chiếc gối vậy. Bên trong vỏ ngoài giòn thơm là nhân bánh được kết hợp từ thịt cùng một số nguyên liệu dân dã như: mộc nhĩ, miến, cà rốt, hành,… Chấm cùng nước mắm chua ngọt tạo nên hương vị Hà Nội không lẫn đi đâu được. Phần quan trọng nhất của bánh gối có lẽ là công thức pha bột bánh. Vỏ bánh cần được trộn theo đúng tỉ lệ cùng với đó là cách nhào bột như thế nào để bánh được giòn và thơm khi chiên.

II. Nguyên liệu cần có để làm bánh gối

Phần vỏ bánh

– Bột mỳ đa dụng: 300gr
– Muối: 2gr
– Trứng gà: 1 quả
– Dầu ăn: 2 muỗng
– Nước: 120ml
– Bột mỳ áo ngoài vỏ bánh: 20gr

Phần nhân bánh

– Thịt xay: 200gr
– Trứng cút cho vào nhân bánh: 20 quả( tùy số lượng bánh làm)
– Mộc nhĩ: 10gr
– Nấm hương khô: 10gr
– Miến: 15gr
– Cà rốt: 30-50gr( tùy theo sở thích)
– Hành tây: 50gr
– Hành lá: 1 cây hành
– Gia vị: muối, hạt nêm, bột ngọt, hạt tiêu xay

Pha nước mắm chua ngọt

– Nước mắm: 2 muỗng canh
– Đường: 2 muỗng canh
– Dấm: 2 muỗng canh
– Nước nóng: tùy theo độ mặn của nước mắm
– Tỏi và ớt băm nhuyễn

Đồ chua ăn kèm với bánh gối

– Đu đủ xanh: 100gr
– Cà rốt: 100gr
– Muối, đường, dấm để ướp đồ chua
– Xà lách, một vài rau sống ăn kèm tùy sở thích

III. Các bước thực hiện bánh gối giòn, thơm tại ngay tại nhà

Bước 1: Ngâm nguyên liệu làm nhân bánh gối

Sử dụng 10gr mộc nhĩ cùng với 10gr nấm hương khô đem ngâm với nước ấm khoảng 50 độ C. Với thời gian ngâm khoảng 15-20p để nguyên liệu được nở ra. Cùng với đó sử dụng 15gr miến cũng đem ngâm với nước ấm khoảng 50 độ C, thời gian giống như trên để miến được nở ra.
Trứng cút các bạn mua khoảng 20 quả. Cho vào nồi và tiến hành luộc trứng cút. Khi trứng cút luộc chín, các bạn sẽ bóc bỏ vỏ.

Bước 2: Làm vỏ bánh gối

Sử dụng 300gr bột mỳ đa dụng đổ vào bát to, thêm 2 gr muối để vỏ bánh thêm đậm đà. Trộn đều bột bánh gối. Đạp 1 quả trứng gà, 2 muỗng canh dầu ăn. Tiếp tục trộn đều bột, cùng với đó, cho từ từ 120ml nước khuấy đều cùng với bột. Tùy theo khối lượng trứng gà cho vào to hay nhỏ, bột mỳ cũ hay mới. Mà bạn có thể điều chỉnh lượng nước cho vào rơi vào khoảnh 100ml-120ml.
Trộn bột bằng tay để kiểm tra độ mềm cua bột. Khi bột đã đủ lượng nước bỏ bột ra ngoài và tiếp tục nhồi bột bằng tay. Các bạn sẽ nhào và miết mạnh tay đến khi khối bột mềm, dẻo và không dính tay nữa. Đập bột xuống bàn để bột nhanh mềm. Vo bột thành khối tròn, cho bột vào lại bát, bọc kín và ủ bột trong 30p.

Bước 3: Làm nhân bánh gối

Mộc nhĩ, nấm hương và miến sau khi đã nở, chắt hết phần nước ngâm đi. Đem mộc nhĩ, nấm hương đem rửa sạch và thái nhỏ nguyên liệu. Cho nguyên liệu đã thái vào bát.
Miến cắt khúc cho vào bát.
Hành tây, cà rốt, bỏ vỏ, rửa sạc. Hành tây thái hạt lựu, cà rốt đem đi bào sợi và thái nhỏ. Hành lá đem rửa sạch và cũng thái nhỏ. Nếu bạn nào không thích hành lá có thể không cho vào nhân bánh.

Cho toàn bộ nguyên liệu đã sơ chế cùng 200gr thịt xay vào một bát to. Nêm gia vị với 1 thìa cafe hạt nêm, 1 thìa cafe muối, 1 thìa cafe bột ngọt, 1 thìa cafe hạt tiêu và trộn đều nhân lại với nhau. Ướp nhân bánh gối với thời gian khoảng 10-15p để nhân được ngấm gia vị.

Bước 4: Làm phần đồ chua ăn kèm

Đu đủ xanh, cà rốt, gọt vỏ, rửa sạch, để ráo nước. Thái nguyên liệu thành những miếng nhỏ vừa ăn. Cho nguyên liệu vào bát và bắt đầu ngâm chua. Cho vào bát 2 thìa canh đường, 2 thìa canh dấm, 1 thìa cafe muối và trộn đều. Ướp đồ chua trong khoảng chừng từ 30p-1 tiếng, đồ chua sẽ ngon hơn so với việc ăn liền.

Bước 5: Pha nước mắm chua ngọt chấm bánh

Sử dụng 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh đường, 2 thìa canh dấm. Nước nóng cho vào tùy theo độ mặn của nước mắm. Khuấy đều đến khi đường tan hết. Thêm vào nước mắm tỏi, ớt băm nhuyễn tăng thêm hương vị cho nước mắm chua ngọt.

Bước 6: Nặn bánh gối

Bột sau khi đã đủ thời gian ủ, lấy bột ra ngoài, chia thành 4 phần. Lấy 1 phần bột và thực hiện trước. Phần bột còn lại cất vào tô, đậy cẩn thận để bột không bị khô.
Rắc lên bột chút bột khô, cán mỏng phần bột trên lớp bột khô. Cán bột càng mỏng thì vỏ bánh càng giòn và ngon. Úp bát xuống phần bột đã cán tạo hình tròn cho vỏ bánh. Làm tương tự với những phần vỏ bánh còn lại.
Lấy một chút nhân bánh, cho một quả trứng cút vào giữa và gói tròn lại. Làm tương tự với những chiếc nhân bánh còn lại cho đến khi hết phần nhân.
Cho nhân lên trên vỏ bánh đã tạo hình. Thoa bên ngoài rìa bột một chút nước. Gấp đôi vỏ bánh lại và mém cho mép bột thật là chặt. Gói mép bột lại để nhân bánh không bị thoát ra ngoài khi chiên. Làm tương tự với những chiếc bánh còn lại.

Bước 7: Chiên bánh gối

Cho dầu ăn vào chảo và đặt lên bếp. Lưu ý rằng món bánh gối này cần được chiên ngập dầu nên các bạn cho nhiều dầu ăn nhé. Khi dầu nóng, để lửa vừa và cho bánh vào chiên. Chiên vàng đều hai mặt của bánh gối. Đặt bánh vào giấy thấm dầu, ráo bớt phần dầu bám trên vỏ bánh.
Bánh gối vàng ươm, nở phồng, vỏ bánh giòn, chín vàng đều xung quanh.
Cho bánh ra đĩa, rửa sạch rau sống, cho đồ chua vào bát nước mắm chua ngọt và thưởng thức thôi. Bánh nóng giòn, thơm, đậm đà hương vị nhân thịt. Chấm cùng nước mắm chua ngọt, ăn kèm đồ chua và rau sống thì còn gì tuyệt vời hơn.

Hy vọng với bài viết chia sẻ trên, các bạn có thể thực hiện thành công món bánh gối tại nhà cho cả gia đình cùng thưởng thức.

Alternate Text Gọi ngay