Tục cúng đất ở Quảng Trị quê tôi

Tương truyền năm 1306, sau khi vua Nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Vương Quốc Chămpa là Chế Mân để đổi lấy sính lễ là vùng đất Châu Ô, châu Rí thì những cư dân nuớc Đại Việt đã vào sinh sống trên mảnh đất này. Xứ Huế, Thuận Hóa quê tôi, thuộc châu Ô (Theo Ô Châu cận lục của tác giả Dương Vân An).

Những bậc cao niên trong làng cho hay, những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, cư dân Đại Việt được Thổ thần đất đai (Thổ địa) và những cư dân bản địa, đặc biệt linh hồn những cư dân Chămpa giúp đỡ, phù hộ. Để bày tỏ lòng tri ân, cư dân xưa bèn cúng chư vị thần linh nên tục cúng đất xuất hiện từ đó. Cúng đất hay còn gọi là lễ “Kỳ an Thổ thần” với quan niệm của người Việt xưa “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Thời gian cúng đất thực hiện vào những ngày tốt, giờ tốt,”giờ hoàng đạo” của tháng Hai hoặc tháng Tám Âm lịch. Tối kị giờ Dần vì giờ Dần thần không hưởng dân quê tôi quan niệm như thế.

Phẩm vật cúng đất trên hai bàn thượng và trung.

Bạn đang đọc: Tục cúng đất ở Quảng Trị quê tôi

Như vậy tục cúng đất có từ lâu đời, là nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt sống trên mảnh đất từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. (Vùng đất thuộc đất sính lễ xưa). Một mâm cúng đất đầy đủ phải có 3 bàn. Bàn thượng gồm lễ vật: Bộ áo Thổ thần, nải chuối chín, bình hoa, con gà, đĩa xôi, những chén chè. Gà cúng đất phải được lựa chọn kỹ. Đó là những con gà trống kiến (gà ta) có mào cờ đỏ, lông vàng óng mượt, chân vàng. Đặc biệt gà vừa đúng giò (không non mà cũng không già), béo mập. Khi cúng gà phải được giữ nguyên bộ lòng, cùng một ít huyết gà tươi chưa luộc. Một điều tối kị trong tục cúng đất là không cúng gà “mồng trứt”, chân chì, lông nổ nhiều màu.

Người dân quê tôi quan niệm cúng những con gà có đặc điểm như thế sẽ mang điều xấu đến gia chủ. Trước lễ cúng đất, gà được nuôi nhốt trong lồng ba ngày cho ăn thóc và uống nước sạch. Để “tinh tấn” trước khi dâng lên thổ thần đất đai. Bàn trung gồm: Hai bộ áo Bà, 5 bộ áo ngũ phương với lễ vật là miếng thịt heo luộc bỏ nhúm muối hạt, nhiều đĩa xôi nhỏ, nhiều chén chè, đặc biệt có 3 đĩa gồm trứng luộc, tôm, cua, miếng “thịt tợ” (Miếng thịt heo mỡ luộc) và đĩa rau khoai luộc chén mắm, cùng với một gắp cá đủ loại nướng vàng. Bàn hạ gồm: Áo binh đủ màu, số lượng áo tùy vào gia chủ, hạt nổ ngũ sắc, muối sống, gạo, “cháo thánh”, đĩa khoai, sắn, ngô luộc cùng một đĩa trái cây, một mâm cơm với đầy đủ thức ăn các loại. Mỗi bàn cúng đều có đĩa trầu cau và ly rượu trắng.

Mâm lễ cúng đất phải được đặt ở vị trí trước nhà gia chủ. Người Huế có câu “Cúng đất cúng ra, Cúng bà (cúng lễ đầy tháng cho em bé) cúng vô”. Gia chủ đứng ở trong nhà cúng ra. Danh sách dâng cúng được gia chủ ghi vào “Giấy sớ” và được đọc lên khi cúng gồm Thần “Man Di, Mọi Rợ” (thần linh vùng đất Chămpa), thần đất đai nơi gia chủ sinh sống, đến thần núi, thần sông… Mâm lễ còn ghi dâng cúng cả những linh hồn, oan hồn Chămpa không ai thờ cúng nơi gia chủ sinh sống. Khi lễ cúng gần xong, gia chủ làm một “xà lét” bằng bẹ chuối, bỏ vào đó một ít thức ăn đủ loại rồi mang ra treo ở gốc cây góc vườn như là khẩu phần mang theo ăn trên đường về cho thần linh khi đến dự lễ cúng đất.

“ Xà lét ” có một chút ít thức ăn cúng xong treo ở góc vườn .

Khi gần tàn hương, gia chủ rót nước chè, trà còn “áo giấy” sẽ được đốt trên một cái dàn tre sạch sẽ. Tuyệt đối không để áo giấy tiền vàng rơi xuống đất sẽ bị uế tạp, thần không nhận. Cuối cùng, phẩm vật sau cúng đất sẽ được mời bà con hàng xóm cùng chung vui bởi họ quan niệm “bán bà con xa mua láng giềng gần”, cũng là dịp liên hoan giao lưu để thắt chặt “tình làng nghĩa xóm”. Và quan trọng nhất là gia chủ giữ lại cặp giò ngâm vào ly rượu trắng sau đó mang đến thầy xem bói. Họ quan niệm mọi điều tốt xấu, lành dữ của gia chủ sẽ được thần đất báo ứng.

Tục cúng đất ở quê tôi mang vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, rất nhân văn. Vì thế dù hiện nay văn hóa truyền thống có nơi bị mai một nhưng xứ Huế quê tôi vẫn lưu giữ tục lệ này. Đây là nét đẹp truyền thống của cha ông thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong việc tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với tiền nhân nơi mình sinh sống cũng như việc giữ gìn tinh thần đoàn kết, sự giao lưu văn hóa các vùng miền trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Alternate Text Gọi ngay