Hấp dẫn người ăn qua từng bát bún riêu cua ngọt thanh và thơm nồng

Bún riêu cua mang nét đặc trưng ẩm thực Việt Nam, đồng thời cũng có sự thanh đạm và cuốn hút đến lạ thường. Ngay bây giờ chúng ta hãy cùng nhau vào bếp thực hiện món bún riêu cua, bữa sáng tròn vị cho cả gia đình.

I. Bún riêu cua_ ngọt, thơm từ vị cua đồng

Bún riêu cua thường được nhắc tới và khá quen thuộc với người dân miền Bắc. Khi chế biến, người ta sẽ cho một chút mắm tôm vào, giúp dậy lên hương vị thơm ngon của cua đồng. Là sự kết hợp từ những nguyên liệu hết sức bình dị và thân quen. Nhưng tại sao những bát bún riêu cua lại cuốn hút đến như vậy. Nguyên liệu chính để chế biến món ăn này phần lớn là từ thịt cua đồng. Cua cần được làm sạch, giã nhuyễn để thịt cua được lấy hết. Sau đó, phải lọc với nhiều lần nước để loại bỏ xác cua còn lại. Cùng với đó, gạch cua, hành tím được phi thơm cùng với nhau, tạo nên hương vị thơm nồng và màu sắc đặc trưng của món bún riêu cua.

Điều đặc biệt là bún riêu cua được mọi người yêu thích vào tất cả các mùa trong năm. Mùa hè nóng nực, bún riêu cua là giải pháp cứu cánh cho bữa trưa nhanh chóng. Mùa đông lạnh giá, ngồi thưởng thức bát bún riêu cua nóng hổi bên lề đường thì còn gì tuyệt vời hơn. Có thể thấy, bún riêu cua đã gắn bó mật thiết với cuộc sống đời thường. Và món ăn trở thành nét đẹp ẩm thực không thể thiếu của người dân Bắc Bộ.

II. Nguyên liệu cần có để làm bún riêu cua

– Cua đồng: 500gr
– Bún rối sợi nhỏ: 1kg
– Đậu phụ: 3-4 bìa
– Giò sống: 200gr
– Cà chua: 3 quả
– Dấm bỗng, mắm tôm
– Khế chua( có thể có hoặc không), hành lá, hành tím
– Rau sống ăn kèm với bún: dọc mùng, rau xà lách, rau mùi, húng, hoa chuối,…
– Một số gia vị nêm nếm: muối, hạt tiêu, nước mắm, hạt nêm,…

III. Các bước thực hiện bún riêu cua tại nhà

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu cua đồng

Tùy theo số lượng người ăn, các bạn có thể tăng số lượng cua đồng sử dụng. Mua 500gr cua đồng tươi, thêm một chút muối và tiến hành gỡ toàn bộ mai cua.
Phần mai cua, các bạn sẽ đem gỡ lấy phần gạch cua, để riêng vào một cái bát.
Những bộ phận còn lại của cua, đem giã nhỏ và nhuyễn. Trong quá trình giã, các bạn nên cho thêm một chút muối vào để phần cua được đậm đà và không bị quá tanh cho nước dùng cua. Nếu bước giã cua quá lâu và mất nhiều thời gian, các bạn sẽ cho cua vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn tất cả phần cua.

Bước 2: Lọc thịt cua

Khi nguyên liệu cua đã giã hoặc xay xong, các bạn sẽ tiến hành lọc phần thịt cua. Lọc 2-3 lần nước để loại bỏ hết phần xác cua thừa lại. Ở bước này, khá là quan trọng nó quyết định đến độ ngon của món ăn. Chính vì vậy, các bạn cần lọc kỹ để lấy được phần thịt cua nhiều nhất.

Khi đã lọc xong, cho nước vào một nồi to. Mở bếp với lửa lớn, thêm 1 thìa cafe muối và đun đến khi thịt cua đóng tảng nổi trên bề mặt. Lưu ý ở bước này, khi nước chưa bắt đầu sôi, các bạn sẽ khuấy liên tục để thịt cua không bị cháy dưới đáy nồi. Khi thấy thịt cua có hiện tượng đóng tảng trên bề mặt, các bạn sẽ không khuấy và để thịt cua nổi tự nhiên. Vớt toàn bộ phần thịt cua ra một cái bát và tắt bếp.

Bước 3: Rán đậu

Sử dụng 3-4 bìa đậu phụ. Rửa sạch với nước, cắt từng miếng vừa ăn và chiên đậu đến khi vàng giòn 2 bề mặt. Rán bề mặt đậu vàng vừa tới, không quá già, không quá non. Khi cho vào nồi nước dùng sẽ nở phồng rất đẹp.

Bước 4: Sơ chế một số nguyên liệu khác

Cà chua rửa sạch, bổ múi cau hoặc bổ làm 4 tùy theo sở thích.
Khế chua, rửa sạch, bỏ phần đậu và các phần múi khế. Vì khế rất dễ mềm nên các bạn có thể cắt dày một chút. Không nên cắt quá mỏng khi cho vào nồi nước dùng dễ bị nát.
Rau dọc mùng tước hết lớp vỏ bên ngoài. Thái nhỏ theo chiều dài và ngâm nước muối để cho đỡ ngứa. Ngâm khoảng 30p, các bạn sẽ rửa sạch lại với nước và bóp hết nước của dọc mùng. Nhớ đeo gang tay khi chế biến, tránh tình trạng bị ngứa.
Các loại rau ăn kèm với bún rửa sạch và để ráo nước trước khi ăn.
Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, thái lát, dùng để phi thơm gạch cua.

Bước 5: Nấu nước dùng

Khi đã chuẩn bị hết các loại nguyên liệu, các bạn sẽ bắc nồi nước cua lên bếp. Và mở lửa lớn đun sôi lại.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào và đợi đến khi dầu nóng. Đổ phần hành tím thái lát vào và phi thơm lên. Đồng thời cho phần gạch cua vào và đảo đều tay. Khi hành và gạch cua đã hòa quyện và có một màu vàng khá đẹp mắt. Bạn sẽ cho phần cà chua đã thái cau vào và đảo đều. Khi cà chua đã mềm và tan hết, bạn sẽ đổ ngược lại vào nồi nước dùng cua đang đun. Nếu thích nước dùng có màu vàng hấp dẫn hơn, bạn có thể cho thêm một chút bột nghệ trong khi đảo gạch cua.

Nêm nếm gia vị nồi nước dùng với một chút dấm bỗng tạo vị chua, nước mắm, hạt nêm, muối tạo vị mặn. Cuối cùng là cho một chút mắm tôm tạo hương vị đặc biệt cho món bún riêu cua. Bạn sẽ nêm gia vị theo khẩu vị ăn uống của gia đình.
Với 200gr giò sống, bạn sẽ thêm chút tiêu hoặc có thể cho thêm mộc nhĩ cắt nhỏ để tăng thêm hương vị cho mọc. Nặn từng miếng thả dần vào nồi nước dùng. Miếng nhỏ vừa ăn, để ăn kèm với bún riêu cua. Khi những miếng mọc nổi lên trên bề mặt, tức là phần mọc đã chín. Cho khế chua vào đi kèm với nồi nước dùng cua. Ninh thêm nồi nước dùng trong khoảng 15-20p với lửa nhỏ là phần nước dùng đã hoàn thiện.

Bước 6: Thưởng thức bún riêu cua

Trần bún rối sơ qua với nước sôi và đổ ra một cái bát.
Thêm thịt cua, đậu phụ rán, dọc mùng, hánh lá. Chan nước dùng kèm mọc và thưởng thức thôi.
Những sợi bún dai nhẹ, mềm hòa quyện với nước dùng cua đậm đà. Tất cả đã tạo nên món bún riêu cua tròn vị cho gia đình của bạn. Khi ăn hãy thưởng thức cùng với rau sống, giúp hoàn thiện món ăn hơn.

Hy vọng với bài viết chia sẻ trên, các bạn có thể thực hiện thành công món bún riêu cua tại nhà cho cả gia đình cùng thưởng thức vào ngày cuối tuần.

Alternate Text Gọi ngay