Liệu pháp oxy cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn – Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu – Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Liệu pháp oxy nhân tạo cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) mang lại hiệu quả trong điều trị các đợt cấp tính cũng như điều trị dài hạn tại nhà. Vậy liệu pháp này có vai trò và lợi ích cụ thể như thế nào?

1. Điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bằng liệu pháp oxy

Sử dụng liệu pháp oxy để điều trị các đợt cấp cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

  • Mục đích: Mục đích của liệu pháp oxy dài hạn cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là giúp cung cấp ôxy có nồng độ cao hơn trong khí trời để điều trị tình trạng thiếu oxy máu mạn tính.
  • Mục tiêu: tránh tình trạng toan hô hấp bằng cách đạt PaO2 ≥ 50mmHg, và không giảm pH < 7,35. Sau đó, điều chỉnh sao cho độ bão hòa oxy > 90% hoặc PaO2 > 60 mmHg và không tăng nồng CO2 trong máu hoặc pH giảm.
  • Chụp X-quang lồng ngực trước khi áp dụng liệu pháp thở oxy.
  • Trước và sau khi sử dụng liệu pháp oxy phải thực hiện khí máu động mạch.
  • Để ổn định nồng độ FiO2 cần khởi đầu liệu pháp oxy với nồng độ FiO2 trong khoảng 24% – 28% bằng ống sonde ở mũi.
  • Sau 30 phút sử dụng liệu pháp oxy nhân tạo cần thực hiện lại khí máu động mạch.
  • Trong trường hợp điều trị ban đầu thất bại với nồng độ FiO2 từ 24% – 28% thì cần xem xét bệnh nhân có bị tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi hay viêm phổi không.
  • Trong suốt quá trình điều trị bằng liệu pháp oxy cần theo dõi CO2 có bị ứ không để tránh tình trạng toan hô hấp. Chú ý các triệu chứng như ấm chi, lơ mơ, ngủ gật gà, mạch nảy, … đây là những triệu chứng khi CO2 bị ứ.

Thở oxy

2. Liệu pháp oxy cho bệnh nhân COPD trong dài hạn và tại nhà

2.1 Khi nào bệnh nhân COPD cần sử dụng liệu pháp oxy nhân tạo dài hạn tại nhà

Liệu pháp oxy nhân tạo được áp dụng đối với bệnh nhân COPD giai đoạn 4 và suy hô hấp mãn tính. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có các chỉ số đo được là PaO2 < 55 mmHg, hoặc PaO2 nằm trong khoảng 55 - 60 mmHg nhưng kèm theo tăng áp động mạch phổi, suy timđa hồng cầu (Hct >55).

Mục đích của liệu pháp này là điều trị thực trạng thiếu oxy máu mãn tính của người bệnh bằng cách phân phối oxy có nồng độ cao hơn trong khí trời .

Mục tiêu của điều trị bằng liệu pháp oxy cho bệnh nhân COPD là cải thiện tình trạng thiếu oxy trong máu, phòng ngừa giảm oxy mô bằng cách cung cấp oxy với dụng cụ thích hợp và lưu lượng tối ưu, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn cho người bệnh và tránh biến chứng ngộ độc oxy.

2.2 Lợi ích của liệu pháp oxy nhân tạo dài hạn tại nhà

Đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, sử dụng liệu pháp nhân tạo tại nhà mang lại những lợi ích sau:

  • Làm ổn định áp lực của động mạch phổi, hạn chế tình trạng bị suy tim phải, tâm phế mạn.
  • Cải thiện khả năng vận động, đặc biệt là vận động gắng sức của người bệnh.
  • Giảm tình trạng khó thở và số lần nhập viện để điều trị các đợt cấp tính.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như vấn đề tâm thần kinh do giấc ngủ được cải thiện, từ đó làm tăng tuổi thọ.

2.3 Nguyên tắc và liều lượng quy định trong sử dụng liệu pháp oxy nhân tạo tại nhà

Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khi điều trị liệu pháp oxy tại nhà cần đảm bảo tiêu chuẩn:

  • Bệnh đang ở trong trạng thái ổn định và được điều trị thuốc giãn phế quản, thuốc corticoid dạng hít.
  • Bệnh nhân có ít nhất 2 kết quả khí máu được thực hiện khi thở khí trời và cách nhau ít nhất 20 phút.
  • Bệnh nhân có PaO2 < 55 mmHg hoặc PaO2 nằm trong khoảng 55 – 60 nhưng có tăng áp động mạch phổi hoặc Hct > 55%.

Liệu pháp oxy nhân tạo được dùng tại nhà có liều dùng như sau:

  • Bệnh nhân được thở oxy liên tục bằng ống thông mũi đơn hoặc đôi.
  • Lưu lượng oxy thấp nhất sao cho PaO2 đạt 60 – 65 mmHg hoặc SpO2 đạt 88 – 94%.
  • Khi vận động và ngủ, bệnh nhân được tăng thêm 1 lít so với liều dùng căn bản.

Thở oxy

2.4 Những lưu ý khi khi sử dụng liệu pháp oxy nhân tạo tại nhà

Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp oxy nhân tạo tại nhà, bệnh nhân và người thân cần lưu ý:

  • Tránh sử dụng liều quá cao khi người bệnh khó thở hoặc bệnh đột nhiên trở nặng, dẫn đến cơ chế kích thích hô hấp của bệnh nhân bị mất đi.
  • Không thực hiện đúng theo liều chỉ định về thời gian thở.
  • Nê có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa hằng tuần, hằng tháng hoặc khi có vấn đề để xử lý kịp thời. Nên có sổ theo dõi điều trị tại nhà cho người bệnh.
  • Trong khi sử dụng liệu pháp oxy nhân tạo cũng cần phải đảm bảo điều trị khác tối ưu như không sử dụng thuốc lá, dùng thuốc theo chỉ định và đảm bảo dinh dưỡng.
  • Thường xuyên vệ sinh dụng cụ thở, phải vệ sinh đúng cách.
  • Chú ý thay nước sạch cho bình làm ẩm hằng ngày hoặc khi cạn nước.
  • Theo dõi lượng oxy đã thở, chú ý khi gần hết bình oxy.
  • Khóa van khi không sử dụng.

Trong quá trình sử dụng liệu pháp oxy cho bệnh nhân COPD tại nhà, cần chú ý theo dõi:

  • Khí máu động mạch trước và sau khi chỉ định dùng oxy.
  • Theo dõi SpO2 để điều chỉnh liều oxy phù hợp.
  • Nếu xuất hiện ứ CO2 phải theo dõi khí máu và toan máu. Trong trường hợp toan máu, người bệnh cần được xem xét thông khí hỗ trợ.

Liệu pháp oxy cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là phương pháp điều trị hiệu quả được áp dụng trong dài hạn và tại nhà để làm ổn định áp động mạch phổi, hạn chế tình trạng suy tim phải.

Để liệu pháp oxy đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) người bệnh cần sử dụng theo đúng chỉ định về kỹ thuật cũng như liều lượng, để đảm bảo an toàn cho bản thân trong quá trình thực hiện tại bệnh viện cũng như theo dõi tại nhà.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Alternate Text Gọi ngay