[Mật Tông vấn đáp]

[Mật Tông vấn đáp]

Phần II: Người tu Mật Tông phải làm gì?

1. Hỏi: Người tu Mật Tông phải làm gì?

Đáp: Người tu Mật Tông phải “vừa tu vừa cứu độ”. Thế có nghĩa là hàng ngày trong mọi lúc, ở mọi nơi đều phải nghĩ đến việc làm lợi lạc cho chúng sinh.

2. Hỏi: Thế nào là mọi lúc mọi nơi?

Đáp: Trong mọi lúc là khi ngủ cũng như khi thức, khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, khi ăn cũng như khi uống,… Tóm lại là bất cứ lúc nào.

3. Hỏi: Thế nào là ở mọi nơi?

Đáp: Ở mọi nơi có nghĩa là ở nhà cũng như khi ra đường, lúc ngồi trên xe cũng như khi vào nhà quen, lúc đến công sở cũng như khi đi vào nhà thương,… Tóm lại là trong mọi cuộc tiếp xúc hàng ngày.

4. Hỏi: Làm lợi lạc là thế nào?

Đáp: Làm lợi lạc có nghĩa là đem lại sự lợi ích và niềm an vui cho người khác. Sự lợi ích và niềm an vui về tâm linh và tinh thần, đây là một điều mà chỉ có những người tu Mật Tông là có thể làm được.

5. Hỏi: Làm lợi lạc cách nào và bằng cái gì?

Đáp: Làm lợi lạc bằng cách “Chú nguyện”, dùng “Chân ngôn, Chú pháp”. Đây là một hình thức bố thí có thể được xếp vào loại “Pháp thí”. Kinh Phật dạy: “Pháp thí cao hơn tài thí”, có nghĩa là cao hơn cho người ta tiền bạc. Mà sự bố thí này lại là Ba la mật, nghĩa là tuyệt đỉnh, ở chỗ mình đem cho mà chẳng cần người được cho biết đến, và cũng không cần họ đền ơn. 

6. Hỏi: Chúng sinh là ai?

Đáp: Chúng sinh đây phải hiểu theo nghĩa rộng, là mọi loài hữu tình cũng như vô tình ở trong thế gian cũng như ngoài thế gian. Tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà cứu độ. 

7. Hỏi: Như vậy thì việc chính của người tu Mật Tông là làm gì?

Đáp: Là cứu độ.

Lẽ dĩ nhiên người tu Mật Tông cũng phải lo cuộc sống hàng ngày như những người khác. Nhưng khác người thường ở chỗ vừa làm việc vừa tu, mà tu là “cứu độ”.

Sách có nói: “Những người tu Mật Tông là những người bình thường đi giữa cuộc đời, mang theo lý tưởng Bồ Tát, trên tiếp thông với các bậc Giác Ngộ, dưới cứu giúp chúng sinh”.

8. Hỏi: Cứu độ thế nào?

Đáp: Cũng giống như người thường, trong những hoàn cảnh mà mình có khả năng giúp đỡ người khác, thì người tu Mật Tông không từ nan mà thật tình giúp đỡ một cách vô điều kiện. Có thể giúp bằng tài vật, bằng sức lực, trị bệnh,… Nhưng khác người thường ở chỗ, kèm theo sự giúp đỡ đó, người tu Mật Tông dùng phương tiện mình có, đó là: “Nguyện lực và Chân ngôn” cộng thêm vào nữa. Đây là sự giúp đỡ siêu hình, có ảnh hưởng tâm linh không nhỏ.

Thường thì nói “cứu độ”, đây là về mặt siêu hình nhiều hơn. Hay nói khác đi là dùng “Pháp thí” chứ không phải là “Tài thí”.

9. Hỏi: Xin nói rõ hơn và cho thí dụ.

Đáp:
A. Thí dụ, khi cho tiền một người ăn xin, ngoài việc cho tiền, người tu Mật Tông còn phải chú nguyện:
– Để đồng tiền của mình và của những người khác bố thí giúp cho người hành khất đó no đủ, hết bệnh tật,.
– Để cho người hành khất đó giải được nghiệp đi xin.
– Để cho những người cùng khổ như người hành khất này ở khắp mọi nơi đều được giải nghiệp,…

B. Thí dụ đi thăm bệnh, thì ngoài việc biếu quà, hỏi thăm, an ủi người bệnh, người tu Mật Tông còn phải dùng phương tiện của mình để chú nguyện cho:
– Người bệnh được mau lành, được bình an.
– Giải bệnh căn, bệnh nghiệp cho người bệnh.
– Xin tăng thêm phước thọ cho người bệnh.
– Xin cho những người bệnh khác đều được qua khỏi,…

C. Thí dụ đi ăn đám giỗ, ngoài những lễ nghi, quà cáp thông thường, người tu Mật Tông phải chú nguyện cho:
– Vong hồn người quá cố và những vong khác được siêu thoát.
– Các người sống đều được khỏe mạnh và bình an,…

Tóm lại, trong mọi tiếp xúc, mọi nơi đều phải làm lợi cho người khác bằng phương tiện mình có. Lời nguyện thì tùy tâm của mỗi người, miễn sao nhắm đúng mục đích làm lợi cho người ta.

10. Hỏi: Tại sao Mật Tông lại chủ trương cứu độ là chính?

Đáp: Chẳng riêng gì Mật Tông mà các tông phái khác trong đạo Phật cũng đều thực hiện việc cứu độ, nhưng dưới nhiều hình thức và hoàn cảnh khác nhau, riêng Mật Tông đặt nặng vấn đề này hơn.

11. Hỏi: Vì sao đặt nặng vấn đề này hơn?

Đáp: Vì người tu Mật là người mang lý tưởng Bồ Tát! Trong chủ trương “Thượng cầu hạ hóa”, người tu Mật quan niệm rằng đó là thực tu.

12. Hỏi: Vì sao nói đó là thực tu?

Đáp: Vì đó là làm tròn “cái sự” để đủ hai mặt tự lợi và tự tha.

13. Hỏi: Tự lợi ở chỗ nào?

Đáp: Tự lợi ở chỗ hằng thường mở rộng Tâm mình. Hằng thường ở trong thiện niệm. Hằng thường làm các nghiệp lành.

14. Hỏi: Xin nói rõ hơn về thực tu.

Đáp: Tu thì phải hành, không hành thì chẳng chứng được “Cái lý”. Có vậy thì “Lý – Sự mới viên dung”.

Các Tổ đã dạy 4 bước tu hành là Tín, Giải, Hành, Chứng nghĩa là Tin thì phải Hiểu, Hiểu thì phải Làm, Làm thì mới thấy kết quả.

15. Hỏi: Xin giải nghĩa hai chữ “Cứu độ”.

Đáp: Cứu là giúp đỡ, đem ra khỏi chỗ nguy hiểm, tai hại. Độ là dìu dắt, nghĩa là chính là chở bằng đò qua sông.

Vậy “Cứu độ” là giúp đỡ, dìu dắt người qua biển khổ, từ bên này bờ mê sang bên kia bờ giác.

16. Hỏi: Xin cho biết tinh thần cứu độ của người tu Mật.

Đáp: Người tu Mật muốn làm tròn hạnh cứu độ phải thực hiện 2 điểm sau đây:
– Cứu độ không phân biệt.
– Cứu độ mà không độ.

17. Hỏi: Thế nào là cứu độ không phân biệt?

Đáp: Nghĩa là không khởi tâm phân biệt:
– Thiện ác.
– Giàu nghèo.
– Sang hèn.
– Tốt xấu,…

18. Hỏi: Thế nào là cứu độ mà không độ?

Đáp: Nghĩa là không thấy mình độ người, và không thấy có người được độ. Nghĩa là không vì danh, không vì lợi, không mong cầu đền đáp.

19. Hỏi: Sâu xa hơn, vấn đề cứu độ còn ý nghĩa gì?

Đáp: Sâu xa hơn ta phải hiểu hành động cứu độ là giải thoát. Giải thoát cho mình và cho người.

20. Hỏi: Chủ trương cứu độ là hay, nhưng làm sao để làm được dễ dàng?

Đáp: Vạn sự khởi đầu nan, bạn cứ thực hành đi sẽ thấy không khó, nếu mình có quyết tâm và tự tin thì sẽ vượt chướng ngại.

21. Hỏi: Người tu Mật có hành lục độ không?

Đáp: Cứu độ là con đường làm tròn quả vị, có cả 6 độ nằm trong đó.

22. Hỏi: Cứu độ là bố thí, sao lại nói có cả 6 độ nằm trong đó?

Đáp: Đúng vậy. Nếu bạn làm hằng thường thì thấy “Lục độ” trong đó cả. Vì sao? Vì khi Bố thí bạn đã đem Trì giới không sân, tham. Nếu bạn làm bằng thường thì đó là hạnh Tinh tấn, cho mà không cầu lợi, không mong đền đáp đó là hạnh Nhẫn nhục. Cho mà trong tâm luôn luôn bình đẳng, không phân biệt thân trù, trụ nơi chính niệm, đó là Thiền định. Cho mà niệm niệm giải thoát đó là Trí huệ.

Đây là con đường đi đến thành Phật đó bạn!

23. Hỏi: “Cứu độ” là “Ngoại công phu” còn “Nội công phu” người tu Mật Tông phải làm gì?

Đáp: Mật Tông không phân nội ngoại, mà “tức nội tức ngoại”. Có thể tạm gọi là “Nội công phu” tức là những lúc hành trì ở đạo tràng hay khi nhập thất. Đây là đi vào phần kỹ thuật của nghi thức chuyên biệt sẽ được trình bày trong phần III. Nhưng thật ra trong những giờ phút đó cũng có ngoại đấy.

24. Hỏi: Ngoài cứu độ, người tu Mật còn chủ trương gì?

Đáp: Chú trương nhập cuộc. Chủ trương vào đời để đem lại an lạc cho mọi người, mọi vật,…

25. Hỏi: Vì sao lại vào đời mà không tìm nơi thanh vắng, hay tu viện mà tu hành?

Đáp: Vì Mật Tông chủ trương Đạo và Đời là Một. Đạo chính là Đời, xa Đời không có Đạo.

26. Hỏi: Nếu vậy thì hành giả Mật Tông vào đời như thế nào?

Đáp: Vào đời bằng cách dấn thân, quên mình để cứu độ bằng phương tiện thực tiễn, cả vật chất lẫn tinh thần, nhằm mục đích tối thượng là cùng nhau giải thoát. Nhưng phải luôn luôn:
– Thức tỉnh tức là sáng suốt.
– Xả kỷ tức là bỏ “cái Ta”, cái ngã.
– Không chấp tức là linh hoạt tùy duyên.
– Giữ con đường Trung đạo.

27. Hỏi: Quan niệm của người tu Mật về “Tứ vô lượng tâm”, Từ, Bi, Hỉ, Xả?

Đáp: Người tu Mật lấy “Xả” làm đầu, lấy “Bi” làm căn bản, lấy “Tùy hỷ” chúng sinh làm hành động tiếp xúc, lấy “Từ” làm môi trường sinh hoạt.

28. Hỏi: Người tu Mật, ngoài việc “trì chú” có đọc tụng kinh sách không?

Đáp: Có chứ! Như ở trên phần I đã trình bày, Mật môn lấy Chân ngôn làm phương tiện, còn về phần giáo lý là chung cho tất cả mọi người, ai học Phật cũng đều phải tìm hiểu.

29. Hỏi: Như vậy Mật Tông không có kinh sách riêng à?

Đáp: Đây là câu hỏi lại vào phần chuyên biệt rồi. Thật ra thì có nhưng chưa được bao nhiêu. Trước đây cố Thượng tọa Thích Viên Đức đã dịch và cho phát hành một số kinh như:
– Hiển Mật Viên Thông.
– Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương.
– Chuẩn Đề Đà La Ni.
– Mật Pháp Nhất Tự Đà La Ni.
– Quán Thế Âm Thập Nhất Diện Thần Chú Kinh.
– Kinh Tạp Tập Đà La Ni.
– Kinh Tô Tất Địa,…

Thượng tọa Thiền Tâm có dịch:
– Đại Bi Kinh.
– Tôn Thắng Phật Đảnh Kinh.

Thượng tọa Thích Quảng Trí có dịch:
– Quán Thế Âm Bồ Tát A Lợi Đà La Ni Kinh.
– Tô Bà Hô Đồng Tử Kinh.

Thượng tọa Thích Đồng Hạnh có dịch:
– Pháp yếu căn bản của Mật Tông.
– Thủ hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni,…

Cư sĩ Phi Bằng dịch:
– Thánh Cứu Độ Phật Mẫu Tu Trì Pháp.

Cư sĩ Hồng Đức dịch:
– Đa rị Tâm Kinh.
– Đại Phật Đảnh Như Lai Phóng Quang Tát Đát Đa Bát Đát Ra Đà La Ni Kinh,…

Và giờ đây các vị tôn túc còn đang tiếp tục dịch để hoằng dương Phật pháp. Tôi xin cung kính vọng bái và tán thán công đức các ngài.

30. Hỏi: Kinh sách Mật môn nhiều như vậy sao nói là ít?

Đáp:
– Ít là vì so với rừng kinh điển Phật giáo.
– Ít là vì chưa nói lên được thực chất của Mật Thừa.
– Ít là vì những bộ kinh lớn chưa được dịch.

31. Hỏi: Kinh lớn là kinh nào?

Đáp: Hai bộ kinh lớn của Mật Tông hiện giờ ở Việt Nam chưa ai dịch, đó là:
– Đại Nhật Kinh.
– Kim Cương Đỉnh Kinh.

32. Hỏi: Tại sao vậy?

Đáp: Vì các vị tôn túc chưa hội đủ nhân duyên để làm. Đây là cả một công trình lớn, cần sự đóng góp của nhiều người, và tốn nhiều công phu cùng với thời gian. Ngoài ra, còn đòi hỏi người dịch phải có trình độ thực tu, thực chứng nữa.

Nhưng bạn đừng lo, chỉ với số ít ỏi được giới thiệu trên kia, nếu bạn chọn lấy một pháp, rồi chuyên nhất mà tu hành, thì chắc chắn cũng được giải thoát.

33. Hỏi: Làm thế nào để chọn Pháp, và nên chọn Pháp nào?

Đáp: Phải cần có thầy, có bạn và phải được thông suốt phần căn bản Mật Tông.

34. Hỏi: Làm thế nào để tìm thầy Mật Tông?

Đáp: Có nhân duyên thì gặp. Về Mật môn thì thầy đi tìm trò nhiều hơn là trò đi tìm thầy.

35. Hỏi: Ở Việt Nam pháp Mật nào phổ biến hơn cả?

Đáp: Đại Bi và Chuẩn Đề.

36. Hỏi: Đại Bi và Chuẩn Đề thì đa số các nhà chùa theo Bắc Tông đều có trì tụng, như vậy là Mật Tông cả sao?

Đáp: Đúng! Đa số nghi thức của những nhà chùa bên Bắc Tông đều có trì Đại Bi, Chuẩn Đề và Bát Nhã, nhưng đó chưa hẳn là Mật.

37. Hỏi: Vậy là Hiển hay sao?

Đáp: Người tu Mật không phân biệt tách rời Hiển và Mật, mà quan niệm là “Tức Hiển tức Mật”, có nghĩa là Hiển mà Mật đấy, Mật mà Hiển vậy.

38. Hỏi: Xin nói rõ hơn.

Đáp: Vì đặc tính của dân tộc ta cương cường mà nhu hòa nên các tôn giáo và tư tưởng vào đây dần dần bị biến đổi để thích ứng với địa phương.

Cũng vậy, Đạo Phật phổ biến ở Việt Nam từ đời Đinh rồi cùng dân tộc này trải qua bao nhiêu chìm nổi đổi thay, nên giờ đây các chùa Bắc Tông cũng mang một sắc thái đặc biệt khác hẳn chùa các nước Trung Quốc, Nhật, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ,… (mấy nước kể sau đa số là Nam Tông). Khác nhau ở chỗ dung hòa trong nghi thức không chia rõ chùa Thiền, chùa Mật hay chùa Tịnh Độ Tông. Điều này có nghĩa là một sự dung hòa các Pháp Môn.

Bước vào chùa, đầu tiên vào nhà Tổ thì thấy thờ Đạt Ma Tổ Sư là vị Tổ Thiền. Lên chùa thì thất cả tượng Đức Di Đà, Đức Thích Ca, Đức Văn Thù, Đức Phổ Hiền, Đức Quan Âm, Đức Chuẩn Đề,… Nghĩa là đủ tượng của Tịnh Độ, của Mật, của Thiền… Sang phần nghi thức hành lễ thì có đọc Chú, có tụng kinh, đó là vừa Hiển, vừa Mật đấy.

Đây cũng là điểm đặc sắc của Đạo Phật ở nước ta, thường thường các thầy tu theo hai đường:
– Thiền Mật song tu.
– Tịnh Mật song tu.

Ở Việt Nam hiện tại mới có Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên là thờ riêng Mật Tông, thờ theo đúng Mandala, tức là Đàn Pháp Mật, với các vị Phật Mật Tông. Do đó Mật Tông mà chúng ta hành trì ở đây thường tự tu tự chứng, không có một sự truyền thừa rõ ràng và phần nhiều là “Tạp Mật” không phải “Thuần Mật”.

39. Hỏi: Thế nào là tạp?

Đáp:
– Tạp vì không chuyên nhất, thí dụ như tu Tịnh Độ mà lại trì chú Chuẩn Đề.
– Tạp vì tự học, tự hành, không được truyền thừa có hệ thống.
– Tạp vì giáo pháp tiếp nhận từ ứng thân Đức Thích Ca Mâu Ni, thay vì từ pháp thân Đức Tỳ Lô Giá Na.

Nhưng dù sao tạp hay thuần thì cũng đều đi đến cứu cánh là giải thoát.

40. Hỏi: Mấy câu hỏi vừa nêu đã đi xa tiêu đề của phần II là “Người tu Mật Tông làm gì?”. Giờ xin quay lại chủ đề.

Đáp: Muốn biết làm gì thì cần nắm vững vấn đề trước đã.

Tu Mật là tu Tâm, tu Pháp, dùng Pháp làm phương tiện, mà phải biết dùng “Phương tiện thiện xảo” để đạt cứu cánh giải thoát cho mình và người.

41. Hỏi: Thế nào là phương tiện thiện xảo?

Đáp: Phương tiện thiện xảo là phương tiện thù thắng khéo léo, phương tiện nhanh lẹ và chắc chắn, phương tiện vững vàng mà hiệu quả, phương tiện nhiệm màu và thâm thúy nhất, để đưa người tu Mật vượt bể khổ luân hồi đến được bờ giải thoát ngay trong đời này.

Phương tiện đó đối với Mật môn là Chân ngôn.

42. Hỏi: Chân ngôn thì thật nhiều, nhưng biết dùng ra sao?

Đáp: Đó là chúng ta bắt đầu đi vào vấn đề thật sự.

Cũng như người lái xe, xe đi nhanh hay chậm do nơi tài xế, lái khéo hay dở cũng bởi bác tài. Vậy có xe trong tay rồi, còn phải đòi hỏi những điều kiện cần thiết khác nữa, thí dụ như sự lanh trí, phản ứng nhanh lẹ và đôi mắt tinh tường cùng sức khỏe sung mãn,… Người tu Chân ngôn cũng như vậy.

Khi bạn đã có pháp trong tay rồi, chỉ cần một pháp thôi – thì bạn cần phải có:
– Một niềm tin không gì lay chuyển nổi.
– Một chí nguyện rộng lớn vô hạn.
– Một nguyện lực mãnh liệt vô biên.
– Một nghị lực vững bền kiên cố.

Đó là tất cả sự chính tâm thành ý đòi hỏi, và cũng là điều kiện để ly sinh tử vậy.

43. Hỏi: Ngoài 4 điểm trên còn phải dọn Tâm thế nào?

Đáp: Muốn vào pháp và chắc chắn đi đến thành tựu thì người tu Mật phải:
A. Đối với mình:
– Xả tất cả.
– Phá tất cả.
– Làm tất cả.

B. Đối với người:
– Chuyển tất cả.
– Thắng tất cả.
– Thành tất cả.

44. Hỏi: Xin nói rõ 3 điểm đối với mình.

Đáp: Thực hiện 3 điểm này để được nhất tâm và luôn trong chính niệm:
– Xả tất cả là bỏ “cái Ta” và “cái Của Ta” tức là Ngã và Ngã Sở.
– Phá tất cả là phá cái ”Tâm phân biệt” và “Kiến chấp”.
– Làm tất cả là “Làm các thiện nghiệp” và hằng thường giữ Thân, Khẩu, Ý lành.

45. Hỏi: Xin cho biết thêm về 3 điểm đối với người.

Đáp: Đối với người thì phải thường tùy hỷ và lấy “Bi Tâm” mà đối xử để:
– Chuyển tất cả là dựa vào bi nguyện của chư Phật Bồ Tát và đem tất cả công đức lực của mình để chuyển hóa cho người khiến nghiệp dữ thành lành, hướng về chính pháp tu hành.
– Thắng tất cả là bằng phương tiện thiện xảo, bằng nguyện lực, bằng chính tâm để thắng mọi tà ngụy.
– Thành tất cả là người tu Chân ngôn mang tâm Bồ Tát làm việc Phật làm nên “khởi niệm tất thành”, đó là chỗ thắng diệu của Pháp vậy.

46. Hỏi: Thật khó thực hiện những điều vừa kể, xin cho thêm ý kiến để củng cố niềm tin.

Đáp: Người tu Mật là người sống trong nhân quả mà vượt lên trên nhân quả. Sống trong nghiệp lực mà chuyển nghiệp lực, do Tâm, do Pháp và do Hành. Nếu bạn đã có quyết tâm và biết pháp giải thoát thì cứ hành đi nhất định sẽ thành. Bạn đã có chìa khóa của sự thành công rồi, giờ hãy vững tin mà tiến bước.

47. Hỏi: Giả sử như bây giờ tôi đã quyết tâm, vậy thì còn cần thêm gì nữa không?

Đáp: Đã quyết rồi phải cần nhất tâm.

Đã nhất tâm rồi cần chuyên chú, siêng năng như gà ấp trứng thì mới đạt kết quả tốt.

48. Hỏi: Với kinh nghiệm của người đi trước, ông thấy còn khó khăn gì?

Đáp: Cái khó khăn nhất mà tất cả những người mới bước vào con đường “Mật thừa” đều gặp đó là:
– Ưa thích thần thông, hoặc
– Muốn mau chóng được một cái gì, thành một cái gì!

Tâm lý này cũng đúng thôi, nhưng nó lại trở thành chướng ngại lớn cho hành giả.

49. Hỏi: Tại sao mong cầu hợp lý mà lại gây trở ngại?

Đáp: Ưa thích thần thông tức mong muốn có quyền năng hoặc là siêu nhân, đó là phát triển tự ngã. Mong mau chóng kết quả là bạn còn tham, còn cầu, còn chưa làm chủ thật sự tâm mình. Và khi bạn vào “tu Pháp Mật” mà còn với tư tưởng đó thì kết quả rất là hạn chế, và khó mà chuyên nhất.

50. Hỏi: Vì sao?

Đáp: Lại vì sao nữa! Tam tổ Thiền Tông Tăng Xán đã viết trong Tín Tâm Minh là:
“Đừng hỏi vì sao nữa,
Thì hết chuyện sai ngoa!”

Xin trả lời cái “vì sao” của bạn nhé!

Vì mục đích của bạn là đi tìm cầu, có khi cầu lớn lao, mà có khi chỉ là cầu tri kiến. Vậy nếu cầu lớn lao thì là “tham”, mà cầu tri kiến thì “sai”, là “lạc”, cả hai trường hợp đều hỏng hết. Tại vì muốn vào Pháp Phật thì phải lìa Tri kiến, khi đó bạn sẽ hiểu hai câu này”:

“Phật với chúng sinh tính thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”.

Bạn cứ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thì khó khăn nào chẳng vượt qua, trở ngại nào mà chẳng khắc phục.

51. Hỏi: Thế thì phải chuẩn bị tinh thần thế nào?

Đáp: Tinh thần chân thực và buông xả.

52. Hỏi: Nghĩa là thế nào?

Đáp: Chân thực là:
– Trở về chính mình.
– Hiểu thực lòng mình.
– Khẩn thiết vào Đạo.

Buông xả là:
– Bỏ hết tri kiến.
– Dẹp hết mong cầu.

Đó mới là bước đầu của người ngộ Đạo. Nếu bạn đi tìm chân lý chỉ bằng lý trí của bạn thì không thể thấy được “Cái thực – Lẽ thực”, vì theo Phật pháp, những hiểu biết nhiều quá sẽ là “sở tri chướng” làm ngăn con đường vào Đạo.

53. Hỏi: Nãy giờ tôi nghe tu Mật cái gì cũng vì người, cho người, thế là “tu” mà chẳng được gì à?

Đáp: Chính cái chỗ “chẳng được gì cả” của bạn là được nhiều lắm đấy! Điều này chắc bạn không tin, vì bạn đã đi vào đâu mà tin được!

Giờ nếu bạn đã quyết tâm và có hành trang đầy đủ rồi thì xin bạn hãy lên đường. Chúc bạn sớm gặp được duyên may.

54. Hỏi: Khoan! Xin cho hỏi câu cuối cùng: Thế nào biết là thành tựu?

Đáp: Phật nói “Tự tu tự chứng” vậy thì thành quả không ai giống ai. Có người thành tựu lớn, có người thành tựu nhỏ. Tùy theo căn cơ, phước đức, công phu của mỗi người.

Tuy nhiên, bạn đã hỏi thì phải trả lời:
Thành tựu nói chung của những người “Tu giải thoát” không phải ở chỗ “biến hóa thần thông, hô phong hoán vũ” mà là tự thấy được:
– Tâm phàm của mình ngày một mất.
– Nghiệp xấu ngày một bỏ.
– Từ bi ngày một tăng.
– Tinh thần ngày một an ổn.
– Trí thấy biết ngày một sáng.
– Giải thoát ngày một gần.

Bạn đã an tâm chưa? Bây giờ khởi hành chứ, kẻo trễ quá rồi, vô thường đâu có đợi bạn?

Đừng để phí ngày này. Đừng để phí kiếp này. Sau này chắc gì gặp được chính pháp. Cơ hội khó có lần thứ hai!
Chúc bạn thành công.

Xin hồi hướng công đức về mười phương Tam Bảo, và tất cả chúng sanh trong các cõi.

Sau khi đọc xong phần II này, nếu bạn thấy được điều gì hay, mới, thì đó là bởi căn nghiệp phước đức của bạn đã có sẵn, nên hồi hướng về “Nhất thiết chủng trí”.
 

Alternate Text Gọi ngay