Theo chân người Hà Nội thưởng thức bát cháo sườn nóng hổi

Ẩm thực Hà Nội luôn được thực khách đánh giá cao cả về chất lượng lẫn sự kết hợp nguyên liệu. Những món ăn đặc trưng Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng của nhiều người. Vào những ngày mùa đông lạnh giá, đi quanh đường phố Hà Nội mà không thưởng thức bát cháo sườn nóng hổi, thơm ngon thì thật là phí. Với hương thơm nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn, món ăn đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trên đường phố thủ đô. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách làm cháo sườn đơn giản ngay tại nhà nhé.

I. Cháo sườn_ nhẹ nhàng, tinh tế với hương vị Hà Thành

Nhắc đến những bát cháo sườn nóng hổi, chắc hẳn bạn không khó để có thể hình dung được. Cháo sườn với màu sắc bắt mắt, màu trắng của những hạt gạo, màu vàng của quẩy giòn, một chút xanh của hành lá. Cùng với đó là vị cay nhẹ của một chút hạt tiêu. Những nồi cháo sườn được bày bán ngoài vỉa hè được đậy kín. Vừa mở ra đã nghi ngút khói và hấp dẫn vô cùng. Không chỉ là món ăn xế cháo sườn còn được dùng để kích thích vị giác của người đang bị ốm. Một bát cháo sườn nóng hổi có thể giúp mọi người nạp năng lượng và tiếp tục làm việc. Món ăn cũng khá đơn giản và dễ thực hiện. Vậy ngay bây giờ chúng ta hãy cùng vào bếp và thử nấu cháo sườn cho cả gia đình ngay thôi nào.

II. Nguyên liệu cần có để làm cháo sườn tại nhà

– 800gr-1kg sườn non
– 200- 300 gr xương ống
– 300gr gạo tẻ
– 50gr gạo nếp
– Hành tây
– Gia vị nêm nếm: muối, nước mắm, mì chính
– Quẩy, chà bông ăn kèm với cháo
– Các loại rau ăn kèm như: hành lá, rau mùi hay tía tô,…

Lưu ý trong cách lựa chọn nguyên liệu để có được nồi cháo sườn hấp dẫn

Để có được một nồi cháo sườn ngon, chuẩn vị Hà Nội, việc lựa chọn và kết hợp nguyên liệu là hết sức cần thiết và quan trọng. Các bạn sẽ cần lưu ý một vài điểm dưới đây:
– Khi nấu cháo, người ta sẽ thường chỉ sử dụng sườn non để tạo vị ngọt. Nhưng nếu bạn kết hợp thêm với xương ống sẽ giúp nước cháo ngon, béo ngậy và hấp dẫn hơn. Nếu có xương ống, phần sườn non lựa chọn cần có nhiều thịt, phần xương không quá to. Thịt dày, khi ninh nhừ sẽ rất mềm và ngon.

– Để tăng độ sánh mịn cho món cháo, người Hà Nội sẽ thường dùng gạo tẻ và thêm một chút gạo nếp. Bởi gạo nếp tạo ra độ sánh, dẻo, mịn và tăng thêm độ thơm.
– Một loại gia vị các bạn cũng cần nên quan tâm khi nấu cháo đó chính là mì chính. Nhiều người tiêu dùng thường nghĩ rằng mì chính sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và có thể gây ra một số bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng với mức độ vừa phải thì sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào. Mì chính cũng là một phần gia vị không thể thiếu được của nồi cháo sườn.

III. Các bước thực hiện món cháo sườn đơn giản và hấp dẫn tại nhà

Bước 1: Chuẩn bị trước các nguyên liệu nấu cháo

Việc đầu tiên trong các bước thực hiện chính là các bạn phải tiến hành ngâm gạo. Gạo được ngâm càng lâu, cháo sẽ càng sánh, mịn. Các bạn trộn gạo tẻ với gạo nếp với nhau( thường gạo nếp sẽ bằng ¼ lần so với gạo tẻ). Đem vo sạch và ngâm qua đêm. Nếu không có thời gian, hãy ngâm với nước nóng khoảng 2 tiếng là được nhé. Khi đã ngâm gạo đủ thời gian, chắt toàn bộ phần nước ngâm và để gạo ra rổ.

1kg sườn non, 300gr xương ống, thêm nước cho vào nồi, một chút muối tinh. Và các bạn sẽ trần qua 2 loại nguyên liệu này khoảng 10p. Mục đích của việc này là giúp xương được sạch và loại bỏ hết mùi hôi.
Khi nước sôi tắt bếp,chắt phần nước luộc, sau đó lấy rửa lại với nước lạnh.
Cho phần gạo vừa ngâm vào máy xay, xay qua gạo, giúp gạo được mịn hơn trong quá trình nấu cháo. Nếu bạn nào không thích ăn cháo quá mịn có thể để hạt gạo nguyên trong quá trình nấu cháo.

Bước 2: Tiến hành ninh sườn

Cho phần sườn non và xương ống đã rửa sạch, và đổ sấp mặt nước. Bạn sẽ thêm 2 thìa canh muối, 2 thìa cafe mì chính,1 củ hành tây đã bóc vỏ vào. Tiến hành ninh trong vòng 2 tiếng với lửa nhỏ. Trong quá trình ninh xương ống và sườn, hãy vớt hết phần bọt trên mặt nước giúp nước sườn được trong.
Khi kết thúc quá trình ninh, thấy xương ống đã ra hết chất ngọt và sườn cũng đã mềm. Bạn sẽ tiến hành vớt tất cả chỗ xương đó ra một cái bát lớn.

Bước 3: Tiến hành nấu cháo

Đun sôi lại phần nước sườn trong nồi. Khi nước vừa bắt đầu sôi, đổ từ từ phần gạo đã được xay nhuyễn vào nồi, khuấy đều cho gạo được chín. Nếu cam thấy ít nước hãy cho thêm nước sôi ở bên ngoài vào. Và bạn sẽ bắt đầu nấu chín cháo. Trong quá trình nấu, thỉnh thoảng bạn sẽ khuấy nhẹ phần dưới nồi, để cho cháo được chín đều và không bị cháy.

Bước 4: Chế biến thịt sườn

Trong thời gian chờ cháo chín, bạn sẽ gỡ toàn bộ thịt ra khỏi xương. Xé phần thịt vừa mới tách thành từng sợi mỏng cho vừa ăn. Ướp thịt sườn vừa xé với cho 4 thìa cafe nước mắm. Để khoảng 10p cho thịt ngấm đều gia vị.
Bắc chảo lên bếp, thêm 1 thìa canh dầu ăn vào chảo. Đợi dầu nóng, cho phần thịt vừa ướp xong vào đảo đều cho đến khi thịt săn lại là được. Các bạn sẽ đảo nhanh tay với lửa vừa để tránh cho thịt bị khô.

Bước 5: Hoàn thành cháo sườn

Khi cháo đã chín, bạn sẽ đổ phần thịt sườn vừa xào vào và khuấy nhẹ đều tay. Bạn sẽ nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn nhé. Ninh cháo thêm khoảng 10p nữa, và tắt bếp.
Múc cháo ra bát, thêm hành lá, quẩy, chà bông, một chút hạt tiêu tạo vị cay nhẹ và thưởng thức thôi. Cháo sườn sẽ có vị ngọt thanh, kết hợp với độ giòn của quẩy, vị mặn mặn của chà bông, công thêm hương vị của hành lá. Đã tạo nên món ăn không thể thiếu đối với mùa đông miền Bắc.
Một bí quyết để ăn cháo không bị nóng đó chính là bạn sẽ ăn cháo từ phần thành bát trước rồi mới vòng vào chính giữa.

Hy vọng với bài viết chia sẻ trên, các bạn có thể thực hiện thành công món cháo sườn tại nhà cho cả gia đình thưởng thức vào dịp cuối tuần.

Alternate Text Gọi ngay