Sáng tạo với bánh trung thu nhân trứng muối chảy trong ngày Tết Đoàn viên

Tết Trung Thu đối với người Việt là cái Tết lớn thứ 3 trong năm: tết Nguyên Đán, tết Hàn Thực và tết Đoan Ngọ. Và điểm đặc trưng khi mỗi mùa trung thu đến là bánh nướng, bánh dẻo. Đây là hai loại bánh không thể thiếu trong văn hóa truyền thống người Việt mỗi khi đến rằm tháng 8. Nếu như ngày xưa, bánh trung thu là sự kết hợp nhân bánh đơn giản như: đậu xanh, thập cẩm,… thì hiện nay bánh trung thu đa dạng kết hợp đa dạng nhiều loại nguyên liệu. Trở thành một món bánh ngon, độc đáo trong dịp Tết. Bánh trung thu nhân trứng muối chảy là sự kết hợp hiện đại, độc đáo mà mang đến cho người thưởng thức một cái nhìn mới lạ về loại bánh này.

I. Bánh trung thu nhân trứng muối chảy trong dịp Tết Trung Thu

Tết Đoàn Viên của người Việt

Mỗi mùa Trung thu tới là dịp để con cái trở về bên gia đình, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Cùng nhau sẻ chia, dãi bày tình cảm. Những ngày này, người lớn trong nhà thường chuẩn bị mâm cơm, bánh trái cúng tổ tiên. Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau phá cỗ, cùng nhau thưởng thức bánh trung thu nhỏ xinh.

Vậy bánh trung thu có nguồn gốc như thế nào?

Bánh trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc và được truyền bá đến Việt Nam. Cứ đến ngày rằm tháng 8, mọi người lại tặng nhau bánh trung thu với mong muốn cuộc sống được tròn đầy, viên mãn. Bánh trung thu dường như trở thành món quà không thể thiếu được trong dịp tết này.

Bánh Trung thu trong truyền thống văn hóa người Việt

Tại Việt Nam, bánh trung thu có hai loại: bánh dẻo và bánh nướng. Bánh dẻo được làm từ bột nếp dẻo trắng tinh, nhào cùng với đường. Hương hoa bưởi nhẹ nhàng, cùng vị ngọt tự nhiên, kết hợp nhân ngọt bên trong. Bánh màu trắng, dạng vầng trăng tròn trong mỗi dịp rằm tháng 8 tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy, tình cảm khăng khít giữa các thành viên trong gia đình. Bánh nướng thì gồm vỏ bánh bao khít xung quanh nhân bánh. Vỏ bánh ngọt tượng trưng cho sự ngọt ngào trong cuộc sống. Kết hợp vị mặn bên trong nhân khẳng định rằng dù trong cuộc sống có nếm trải đắng cay thì người thân vẫn luôn bao bọc, che chở, chia sẻ những lúc khó khăn nhất. Hai chiếc bánh tuy màu sắc khác nhau nhưng đều tượng trưng cho tình cảm gia đình, luôn ở bên, dìu dắt, che chở ta trong suốt cuộc đời.

Với nhịp sống hiện đại, sôi động thì bánh trung thu truyền thống cũng được biến tấu thay đổi ít nhiều. Sự kết hợp nhiều loại nhân mới, giúp bánh trung thu đã quá quen với sự đơn điệu trở nên hấp dẫn và đậm đà hơn. Và bánh trung thu nhân trứng muối chảy được biến tấu một chút phần nhân bên trong. Thay vì sử dụng những loại nhân cổ truyền thì người ta thay thế, sáng tạo nhân trứng muối với phần kem chảy. Vậy bánh trung thu nhân trứng muối chảy được chế biến như thế nào? Chúng ta cùng nhau thực hiện món bánh này nhé.

II. Nguyên liệu cần có để làm bánh trung thu nhân trứng muối chảy

Vỏ bánh

– Bột mì : 130gr
– Bột custard : 12gr
– Đường xay : 35gr
– Bơ mặn : 70gr
– Sữa tươi không đường: 13ml
– Lòng đỏ trứng gà phết lên mặt bánh : 1 lòng đỏ

Nhân giữa

– Kem tươi : 40gr
– Nước cốt dừa : 40gr
– Bơ mặn : 25gr
– Đường : 40gr
– Bột Custard : 25gr
– Sữa bột : 30gr
– Trứng gà : 1 quả
– Sữa tươi : 35gr
–  Trứng muối : 02 quả

Nhân chảy

– Bơ mặn : 15gr
– Bột Custard : 7gr
– Bột năng : 7gr
– Đường : 25gr
– Nước : 10 ml
– Trứng muối : 01 quả
Bánh trung thu nhân trứng muối chảy nên được làm với loại khuôn nhỏ. Khi thưởng thức sẽ ngon và không cảm giác bị quá ngán. Các bạn có thể sử dụng khuôn 50gr hoặc 75gr để chế biến món bánh này.

III. Các bước thực hiện bánh trung thu nhân trứng muối chảy

Bước 1: Thực hiện làm phần nhân chảy bên trong bánh

Sơ chế hết trứng muối bằng cách tách lòng đỏ trứng muối. Tách sạch lòng trắng( nếu không sẽ rất tanh) và cho lòng đỏ đã tách vào bát rượu trắng.
Vớt trứng muối và nướng chín trứng muối. Bạn có thể sử dụng lò nướng với nhiệt độ là 180 độ C trong khoảng 5p. Hoặc các bạn có thể hấp trứng muối cách thủy cũng trong khoảng 5p.

Nấu chảy 15gr bơ mặn. Đổ phần bơ đã nấu chảy váo một cái bát. Thêm 25gr đường, 7gr bột năng, 7gr bột Custard và 10ml nước. Sau đó, các bạn trộn đều tay hỗn hợp. Khi đã trộn đều nguyên liệu, cho hỗn hợp vào một cái chảo nấu đến khi hỗn hợp sánh và sệt lại.
Nấu trên lửa nhỏ, đảo đều tay hỗn hợp liên tục nếu không sẽ rất dễ bị cháy. Nghiền nát phần trứng muối đã nướng. Khi hỗn hợp đã sệt lại đổ 1/3 phần trứng muối đã nghiền vào đảo cùng. Phần nhân sau khi đã chín đổ vào khuôn để ngăn đông trong khoảng 3-4 tiếng.

Bước 2: Làm phần nhân giữa

Đây là phần nhân khô và rắn hơn bao lấy phần nhân chảy.
Trộn 25gr bột Custard, 30gr sữa bột, 40gr đường, 35ml sữa tươi và 1 quả trứng. Đánh đều hỗn hợp.
Cho phần nước cốt dừa, kem tươi và bơ vào 1 cái bát khác. Đun chảy hỗn hợp này. Sau khi hỗn hợp được đun chảy, đổ từ từ vào hỗn hợp đã chuẩn bị trước và khuấy đều tay.
Lọc phần hỗn hợp đã trộn đều qua một cái rây để loại bỏ hết lợn cợn còn xót lại. Thêm 2/3 phần trứng muối còn lại. Cho ra chảo và tiến hành sên nhân.
Sên nhân trên lửa vừa, đến khi hỗn hợp quyện lại với nhau, khô mặt. Sên nhân trong khoảng 30-40p để phần nhân thật khô và chắc lại. Để nguội nhân và cho vào tủ lạnh từ 2- 3 tiếng cho phần nhân chắc lại.

Bước 3: Làm phần vỏ bánh

Rây 130gr bột mỳ, 12gr bột Custard, 35gr đường xay. Thêm 70gr bơ lạnh. Bóp đều bơ để hòa cùng phần bột đã rây. Khi bơ đã mềm thêm 13ml sữa tươi, tiếp tục nhào bột đến khi thành một khối đồng nhất. Cho phần bột đã nhào vào tủ lạnh trong khoảng 60p trước khi làm bánh.

Bước 4: Nặn bánh trung thu nhân trứng muối chảy

Phần vỏ bánh, nhân giữa, nhân chảy sau khi đã được làm lạnh trong thời gian nhất định. Lấy ra ngoài và chia đều thành các phần bằng nhau.
Phần nhân giữa cán mỏng bao quanh lại phần nhân chảy trước vì hỗn hợp nhân này cần có nhiệt độ lạnh nên các bạn chú ý thao tác nhanh, tránh chảy phần nhân.
Phần vỏ bánh rắc bột mỳ, cán đều phần bột và được bao quanh phần nhân đã chuẩn bị ở trên. Làm tương tự với những chiếc bánh còn lại.
Sau khi hoàn thành ta tiến hành vào khuôn cho bánh. Khuôn bánh thật sự sạch và khô thì mới có thể vào được bánh.

Bước 5: Nướng bánh

Sau khi vào khuôn tất cả bánh, xếp bánh lên khay nướng. Xịt nước ngoài bề mặt bánh. Nướng trước lần 1 với nhiệt độ 230 độ C trong khoảng 5p.
Chuẩn bị lòng đỏ trứng cùng với một chút nước. Khi bánh đã nướng xong lần 1 quét đều hỗn hợp trứng bên ngoài bề mặt bánh để có màu đẹp hơn khi nướng.
Nướng tiếp tục lần 2 với nhiệt độ và thời gian như vậy.


Vậy là món bánh trung thu nhân trứng muối chảy đã hoàn thành. Các bạn có thể chờ nguội và thưởng thức thành phẩm của mình.

Bánh trung thu nhân trứng muối chảy sử dụng ngon nhất là khi nướng xong để tủ lạnh từ 8-10 tiếng để bánh được xuống dầu. Hy vọng với những chia sẻ về cách làm món bánh này, bạn có thể thực hiện thành công bánh trung thu nhân trứng muối chảy trong gia đình cùng thưởng thức trong dịp tết Trung thu.

Alternate Text Gọi ngay