Chả mực Hạ Long với bí quyết thực hiện thành công tại nhà

Chả mực Hạ Long được biết đến là món ăn đặc sản của vùng đất biển. Được xếp là một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng. Mỗi lần đến Hạ Long chắc hẳn du khách không thể nào quên món chả mực giã tay này về làm quà. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới các bạn cách làm chả mực Hạ Long chuẩn vị tại nhà nhé.

I. Chả mực Hạ Long_ đầy sức hấp dẫn và cuốn hút

Chả mực Hạ Long là món chả mực giã tay được chế biến từ nguyên liệu mực tươi, được đánh bắt tại vùng Vịnh Hạ Long. Với sự kết hợp giữa mực thịt heo, hành khô, tỏi, món ăn đã tạo nên hương vị đặc biệt nổi bật chỉ có tại vùng đất Hạ Long.
Mỗi miếng chả mực khi chiên vàng đều có đầy đủ hương thơm và gia vị của vùng biển. Mùi thơm của mực, hương vị đậm đà của gia vị nêm nếm. Tất cả đã tạo nên hương vị đặc trưng của món chả mực Hạ Long không thể lẫn vào đâu được.

II. Nguyên liệu cần có làm chả mực Hạ Long tại nhà

– 1kg mực mai( có thể làm nhiều hơn nếu thích)
– 100- 200gr thịt ba chỉ
– 200gr tôm biển
– Các nguyên liệu đi kèm như: Hành lá, hành tím, ớt sừng, tỏi
– Gia vị nêm nếm cho món ăn: nước mắm, muối, tiêu, đường, bột ngọt, dầu ăn

Lưu ý trong cách lựa chọn nguyên liệu làm chả mực Hạ Long tại nhà

– Về nguyên liệu mực, chọn loại mực mai (không nên chọn mực lá và mực ống). Nên chọn loại mực mai dày, chắc, còn nguyên con, có màu trắng hồng đặc trưng, lớp da sáng bóng, thịt mực không bị quá nát. Khi cầm vào râu mực bạn sẽ thấy các xúc tu còn bắt dính chặt vào da tay bạn, tức đây là mực tươi. Khâu chọn lựa nguyên liệu mực là quan trọng nhất đối với món chả mực Hạ Long. Vì nguyên liệu chính cấu thành nên món ăn chính là mực.
– Về phần thịt heo chọn mỡ khổ hoặc thịt mông ít nạc nhiều mỡ. Và đã lọc đi phần bì.
– Để tăng thêm hương vị hải sản cho món ăn, bạn có thể dùng thêm tôm biển hoặc có thể thay thế bằng cá biển phi lê đều được.

III. Các bước thực hiện chả mực Hạ Long đơn giản và dễ làm tại nhà

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu tươi sống

1kg mực mai bạn sẽ làm sạch, lọc bỏ túi mực, bỏ nội tạng, mai (phần xương sống) và bóc bỏ lớp da mực( lưu ý là không được để vỡ túi mực). Rửa sạch mực với nước muối pha loãng. Để khử mùi tanh có trên mực các bạn sẽ dùng chanh hoặc giấm chà xát rồi rửa sạch lại với nước lạnh. Thấm khô nước bên ngoài mực và để thật ráo nước.
Thái thân mực đã làm sạch thành các miếng nhỏ dày khoảng 2 cm, dài khoảng 5cm. Phần râu mực sẽ thái khúc và để riêng.

Phần thịt ba chỉ, các bạn cũng sẽ rửa sạch với một chút nước muối pha loãng. Thấm khô thịt và tiến hành thái thịt thành những lát mỏng.
100gr tôm bóc vỏ, bỏ phần đầu và phần đuôi. Rút chỉ đen ở sống lưng. Rửa sạch lại với nước và băm nhuyễn tôm.

Bước 2: Chuẩn bị các nguyên liệu còn lại

Ớt sừng rửa sạch, cắt thành các lát mỏng( bỏ hạt ớt)
Hành tím, tỏi bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn các nguyên liệu
Hành lá các bạn sẽ nhặt bỏ sạch phần gốc, rửa sạch và thái nhỏ hành để cho vào chả mực.

Bước 3: Ướp nguyên liệu

Cho tôm, thịt, mực đã sơ chế xong, cùng với hành lá, hành tím, tỏi, ớt vào tô sạch và khô. Ướp với ½ thìa canh muối, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường, ½ thìa canh bột ngọt, ½ thìa canh tiêu. Trộn đều tất cả nguyên liệu lại với nhau rồi ướp trong khoảng 30 – 50 phút cho nguyên liệu ngấm đều gia vị.

Bước 4: Giã nguyên liệu tạo thành chả mực

Sau khi đã hoàn thành và ướp nguyên liệu đủ thời gian. Các bạn sẽ tiến hành giã hết các phần nguyên liệu đó với nhau. Cho nguyên liệu ra cho vào cối, dùng chày giã nhuyễn đến khi các nguyên liệu nhuyễn mềm và sệt lại là được. Lưu ý rằng, ta không nên giã một lúc tất cả nguyên liệu. Vì như vậy, chả mực sẽ không thể nhuyễn mịn được. Các bạn cho nguyên liệu từng chút một để giã nhanh nhuyễn hơn. Sử dụng thìa gỗ quết đều liên tục để chả mực đạt được độ dẻo dính. Giã chả mực bằng tay sẽ tạo độ dai và dẻo hơn đối với món ăn.

Tuy nhiên, giã chả mực bằng tay sẽ mất khá nhiều thời gian. Và nếu bạn nào không có quá nhiều thời gian để chuẩn bị, các bạn có thể sử dụng máy xay để thực hiện bước này. Cho hết nguyên liệu đã chuẩn bị xong vào máy xay( chia thành nhiều lần cho vào, nếu máy xay không xay được quá nhiều). Bạn lưu ý trong cách sử dụng máy xay để xay chả mực. Là phải cho máy chạy khoảng 5 – 7 giây rồi lại cho máy nghỉ 1 chút tránh để máy bị quá nóng. Và sẽ dễ khiến mực bị chín. Bạn sẽ xay đến khi nguyên liệu nhuyễn và mịn giống như giò sống là được nhé.

Bước 5: Tạo hình cho chả mực

Tạo hình cho món ăn này cũng khá đơn giản và dễ thực hiện. Lấy dầu ăn thoa đều vào lòng bàn tay. Lấy muỗng múc một phần hỗn hợp chả mực vừa ăn, vo tròn lại rồi ấn nhẹ để tạo thành tròn dẹp. Làm chả mực có độ dày vừa phải. Không nên quá mỏng để giữ được độ ngọt của mực trong quá trình chế biến.

Bước 6: Chiên chả mực

Bắc chảo lên bếp, cho một lương dầu ăn tương đối để đảm bảo chả mực khi chiên sẽ ngập dầu. Đợi đến khi dầu ăn nóng già. Thả nhẹ nhàng từng miếng chả mực vào và chiên với lửa vừa.


Chiên vàng đều cả hai mặt chả là được. Cho chả ra đĩa và để chả ráo dầu trước khi thưởng thức. Khi thưởng thức, bạn có thể cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của mực. Chả mực khi chiên xong vàng đều, không bị quá khô mà vẫn cảm nhận được vị dai dai của mực. Bạn có thể chấm với một chút tương ớt hay nước mắm đều rất ngon.
Nếu không ăn hết trong một lần, các bạn hãy chiên sơ qua các miếng chả còn lại. Để chả mực nguội, cho vào hộp đậy nắp kín và bảo quản trong tủ đông. Với cách làm như vậy, chả mực sẽ bảo quản được từ 2-3 tuần. Khi ăn chỉ cần đem ra chiên vàng lại là có thể thưởng thức.

Hy vọng với bài viết chia sẻ trên, các bạn có thể thực hiện thành công món chả mực Hạ Long cho cả gia đình cùng thưởng thức.

Alternate Text Gọi ngay